Các yếu tố ảnh hưởng đến khủng hoảng ngành du lịch
Có thể nói không một ngành kinh tế nào lại có thể nhạy cảm với tình hình chính trị an ninh trật tự xã hội như ngành du lịch, xét cho đến cùng, đi du lịch không phải thử thách lòng dũng cảm mà đi du lịch để nghỉ ngơi, tham quan tìm hiểu cuộc sống. Chính vì vậy chỉ cần một sự bất ổn nhỏ trong tình hình an ninh chính trị có thể tác động rất lớn đến hoạt động du lịch, trước hết là cầu du lịch, sau đó đến cung du lịch.
1.Các nhân tố chính trị
1.1. Thể chế và chiến lược
Thể chế chính trị có thể được hiểu là hình thức chế độ, tư tưởng chính trị mà quốc gia đó đã lựa chọn thực hiện. Thể chế chính trị biểu hiện ở hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cách thức tổ chức, thực hiện các chính sách pháp luật, đường lối đối nội đối ngoại của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ lựa chọn cho mình một thể chế chính trị phù hợp với đường lối thống trị của giai cấp lãnh đạo. Nó sẽ quyết định đến phương thức cai trị, đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại của quốc gia đó và được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật. Tại Việt Nam, đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng đã xác định vị trí vai trò của của du lịch trong nền kinh tế quốc dân là ngành kinh tế mũi nhọn, then chốt, cần tập trung đầu tư phát triển.
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30 tháng 12 năm 2011 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg) và “Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt ngày 22 tháng 01 năm 2013 (Quyết định số 201/QĐ-TTg) là những mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch. Để cụ thể hoá các định hướng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, giai đoạn 2013 - 2017 công tác quy hoạch cấp vùng, các khu du lịch quốc gia, các địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển ở cả cấp độ quốc gia, cấp vùng và địa phương”.
1.2. Các chính sách phát triển du lịch
• Quản lý thị thực
Trên thế giới hiện nay, rất nhiều quốc gia thực hiện chính sách miễn visa hay thị thực cho khách du lịch. Hình thành nên khối, các khu vực tự do đi lại, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho ngành du lịch. Các nước ASEAN hay EU là những ví dụ về khu vực mà công dân thuộc khối có quyền tự do đi lại trong lãnh thổ các nước.
Để tăng cường thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, việc tạo thuận lợi về thủ tục visa và nhập cảnh là hết sức quan trọng.
Theo thống kê, Việt Nam hiện chỉ mới miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðây là con số quá ít ỏi để cạnh tranh với các nước láng giềng như Singapore miễn visa cho 158 nước; Philippines là 157 nước, Malaysia là 155 nước, Thái Lan là 55 nước. Ðó là chưa kể, luật định chỉ cho phép khách quốc tế lưu trú du lịch tại Việt Nam trong vòng 15 ngày, giới hạn rất ngắn ngày so với nhiều quốc gia phát triển du lịch khác trong khu vực.
• Bài trừ cấm đoán du lịch
Du lịch thúc đẩy và tạo cơ hội cho việc giao lưu; trao đổi giữa các nền văn hóa trên thế giới, giúp cho con người hiểu biết lẫn nhau và gắn kết nhau hơn. Mặt khác, du lịch cũng đóng góp một phần tích cực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa và thúc đẩy các hoạt động văn hóa có quy mô và chất lượng.
Tuy nhiên, một số quốc gia lại làm điều ngược lại, những nhà cầm quyền cho rằng hoạt động du lịch sẽ làm xói mòn, ảnh hưởng đến văn hóa, niềm tin, tôn giáo của họ. Chính vì vậy, một vài quốc gia gây khó dễ cho khách du lịch như quy định xuất nhập cảnh, quy định tại điểm tham quan…. Nhiều chính sách bài trừ, cấm đoán hoạt động du lịch, do những quan niệm tôn giáo cực đoan hoặc vấn đề dân tộc, chính trị từ đó ra đời.
Ví dụ: Triều Tiên luôn được coi là một ẩn số của ngành du lịch do có ít thông tin về quốc gia này lọt ra ngoài. Trong những năm gần đây, Triều Tiên được ghi nhận là đang phát triển về du lịch, song du khách cần lưu ý một số điều khi cân nhắc ghé thăm nơi này. Theo Tạp chí du lịch The Travel tiết lộ những điều cần biết trước khi du lịch Triều Tiên như: Không được dùng tiền địa phương, không được mang theo sách giáo khoa, cấm nước giải khát có ga của Mỹ, không được chụp ảnh dân địa phương…
• Vấn đề ngoại giao
Nhắc đến mối quan hệ giữa du lịch và ngoại giao là nhắc đến mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đóng góp sức mình vào các mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc. Với lợi thế là cơ quan đi đầu trong các quan hệ ngoại giao với cộng đồng thế giới, có mạng lưới các cơ quan đại diện ở tất cả các châu lục và địa bàn trọng yếu, ngành Ngoại giao đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tác động tới sự phát triển của du lịch như: Hoạt động ngoại giao văn hóa bước đầu gắn kết với ngoại giao chính trị, nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, qua đó giới thiệu về tiềm năng kinh tế, du lịch, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư và thương mại. Hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần tích cực vận động các danh hiệu văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới, Ca trù, Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể…; hỗ trợ các địa phương tổ chức các chương trình văn hóa như các lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực, các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế…
Có thể thấy, việc mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước góp phần thúc đẩy phát triển các thị trường du lịch. Cùng với việc củng cố quan hệ giữa các nước có quan hệ ngoại giao, những thủ tục dành cho khách du lịch được đơn giản hóa và việc đi du lịch trở nên dễ dàng hơn: thủ tục xuất nhập cảnh, Việt Nam đã miễn visa cho một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN,… Như vậy, với quan hệ ngoại giao rộng mở, thiện chí, hòa bình, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Ngoại giao văn hóa mở ra cơ hội to lớn cho du lịch phát triển: gia tăng thị trường khách du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực thu hút du khách quốc tế, thực hiện tăng trưởng và phát triển du lịch theo hướng bền vững và giúp cho du lịch nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
1.3. Hệ thống pháp luật
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các chuyên ngành khác nhau như thương mại, quản lý thị trường, hàng không, giao thông vận tải, di sản văn hóa, tài nguyên môi trường, xuất nhập cảnh, quy hoạch. Vì vậy, các quan hệ xã hội phát sinh được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống văn bản khác nhau, hệ thống pháp luật giữa các bên liên quan phải có ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ nhau trong vấn đề việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ du lịch.
Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW. Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013. So với trước đây, hệ thống pháp luật về du lịch hiện nay có nhiều quy định đổi mới như bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành, chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch…
TẢI FILE FULL TOÀN BÀI MẪU 1
TẢI FILE FULL TOÀN BÀI MẪU 1
2. Khủng bố
Bất kỳ một cuộc khủng bố nào xảy ra đều gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều khía cạnh trong xã hội: cuộc sống của người dân, nền kinh tế, chính trị… Hậu quả của các cuộc khủng bố tác động đến con người có thể bao gồm thương tật, tử vong và sang chấn tâm lý.
Khủng bố tác động gián tiếp đến du lịch qua việc các quy định về thị thực trở nên ngày càng gắt gao, làm cho việc du lịch trở nên khó khăn hơn. Nhiều khách du lịch phải trả chi phí xin thị thực cao hơn và phải trải qua quá trình quét cơ thể xâm nhập và các thủ tục kéo dài khi mang theo chất lỏng và các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, khủng bố còn làm tăng cao nạn thất nghiệp, vô gia cư và các tệ nạn xã hội khác. Nhiều ngành liên quan đến du lịch như nhà hàng - khách sạn, vận tải… cũng hứng chịu hậu quả mà các cuộc khủng bố gây ra.
Khủng bố đã ảnh hưởng đến nhận thức của khách du lịch về việc đi du lịch và rủi ro đi kèm với nó, từ đó làm giảm nhu cầu đi du lịch và đe dọa sự tăng trưởng của ngành du lịch. Nó gieo rắc nỗi sợ hãi cho khách du lịch trong, ngoài nước và có thể thay đổi nhận thức của mọi người đối với một quốc gia.
Đã có trường hợp khủng bố tấn công du khách Việt Nam tại Ai Cập. Ngày 28/12/2018 (giờ địa phương), một thiết bị nổ tự chế đặt ở ven đường đã phát nổ khi một chiếc xe đi ngang qua. Ít nhất 4 người, trong đó có 3 du khách người Việt Nam đã thiệt mạng cùng hướng dẫn viên người Ai Cập và 11 người bị thương. Theo hãng tin Reuters, đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên nhắm vào du khách nước ngoài ở Ai Cập trong hơn một năm qua và nó lại xảy ra vào lúc ngành du lịch của Ai Cập vừa phục hồi sau những bất ổn trong nước từ sự kiện nổi dậy "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011. Du lịch là nguồn thu ngân sách chính của Ai Cập.
3. An toàn cá nhân
An toàn cá nhân là yếu tố quan trọng trong du lịch. Sự an toàn luôn được ưu tiên trong mỗi chuyến du lịch. Những điểm đến đe dọa đến sự an toàn của du khách như vùng xảy ra nhiều tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội đều không thể phát triển được du lịch dù cho điểm đến đó có những tài nguyên thu hút, ấn tượng cũng bị rào cản bởi sự an toàn.
Ví dụ trường hợp theo số liệu chính thức của trang News.zing.vn, đã có 42 vụ cướp giật du khách tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong năm 2015; trong đó 90% nạn nhân là phụ nữ. Tại Quận 1 TP HCM có 109 vụ và hơn 50% nạn nhân là du khách nước ngoài.
Khi được hỏi, du khách từng đến Việt Nam bảo là Việt Nam vẫn là một nước thú vị vì không nhiều du khách so với Thái, Nhật, Hàn, Trung, Đài, Mã Lai, Indonesia … nhưng rất nhiều người thẳng thắn cho biết là họ sẽ không trở lại Việt Nam nữa. Điều này khẳng định an toàn bản thân được quan tâm rất nhiều trong quá trình du lịch và nó vẫn còn là một trong những khó khăn chưa khắc phục được của nền du lịch khi tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội vẫn còn tồn tại.
Đặc biệt trong những năm đại dịch Covid-19, sự an toàn cá nhân được quan tâm hàng đầu khi ngành du lịch có thể nói là đã “đóng băng” trong một thời gian dài đại dịch. Các hãng vận tải, lưu trú, giải trí… thuộc mảng du lịch phải dừng lại để chờ tình hình dịch kiểm soát và đây cũng được coi là cơn khủng hoảng của du lịch. Nhiều khách sạn, nhà hàng đóng cửa, các đơn vị lữ hành, tour ngừng hoạt động khiến lao động làm nghề du lịch, dịch vụ… rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm. Họ buộc phải chuyển nghề để mưu sinh, nhưng vẫn lạc quan với hy vọng du lịch sẽ sớm “hồi sinh”. Việc mở cửa lại vô cùng khó khăn khi du khach vẫn còn e ngại vấn đề an toàn sức khoẻ. Chị Đào Bích Hồng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Skysea chia sẻ. “Du lịch hè vốn được kỳ vọng là cú hích cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với Covid-19. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đang tước đi cơ hội đó. Các doanh nghiệp vừa phải căng mình giải quyết các trường hợp hủy, hoãn tour cho khách, vừa phải thay đổi sản phẩm, vạch ra chiến lược mới cho nửa sau của năm 2021”.
Ngoài ra các yếu tố khách quan thì còn yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến an toàn có nhân như những rủi ro xảy ra trong quá trình du lịch như ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Vì vậy mua bảo hiểm du lịch ra đời để đảm bảo rủi ro cho du khách trong quá trình du lịch. Như việc đảm bảo các rủi ro có thể xảy ra trong quá tình tham gia các dạng tour du lịch đặc biệt là tour du lịch có phần mạo hiểm, trò chơi cảm giác mạnh… vấn đề đảm bảo an toàn này luôn được du khách quan tâm khi lựa chọn địa điểm tham quan. Như tour Sơn Đoòng dù rất đắt đỏ và khó có thể tham gia những vẫn được nhiều người quan tâm hơn là những tour tham quan hang động khác do Oxalis làm tốt trong vai trò tạo niềm tin về an toàn cá nhân cho du khách. Bên cạnh đó, một số địa điểm cũng sở hữu hang động đẹp, tiềm năng có thể khai thac nhưng vẫn bị giới hạn vì chưa đảm bảo được giá trị an toàn cá nhân.
Tổng cục Du lịch khẳng định, trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng sự thay đổi nhu cầu thị trường đáp ứng mục tiêu đảm bảo sự an toàn cá nhân như chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, chữa lành như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe…
4. Các yếu tố kinh tế
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Do vậy, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và việc làm.
Tác động kinh tế là những lợi ích, chi phí trực tiếp và gián tiếp về kinh tế nhận được từ sự phát triển và sử dụng các tiện nghi và dịch vụ du lịch.
4.1. Ảnh hưởng của kinh tế đến du lịch
Du lịch là nhu cầu rất phổ biến, mức sống thấp thì nhu cầu du lịch của con người cũng giảm đi. Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, nếu du lịch ngừng phát triển thì nền kinh tế quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng đến nhiều người thiếu việc làm, làm mất nguồn thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau.
Dưới góc độ xã hội, nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người không được đáp ứng hoặc đáp dứng ở mức độ thấp.
Kinh tế Việt Nam bị khủng hoảng nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp kéo theo ngành du lịch bị ảnh hưởng. Khách du lịch đến Việt Nam sẽ giảm, các điểm du lịch không được khai thác và mở rộng, các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng giảm sút.
Các mối đe dọa bên ngoài và bên trong của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với ngành du lịch là:
- Các mối đe dọa bên ngoài: suy thoái; biến động tiền tệ; và đánh thuế.
- Các mối đe dọa bên trong: chi phí gia tăng; doanh thu giảm; không sinh lời
- Làm cho địa điểm du lịch khó khăn: Du lịch là một phương tiện gián tiếp giúp những vùng kém phát triển nhưng có tiềm năng phát triển du lịch nhờ điều kiện tự nhiên đa dạng. Ví dụ những quần đảo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Những nơi có điều kiện kinh tế, mức sống, an ninh xã hội kém phát triển hơn vùng đồng bằng, trung tâm sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
- Vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế: Du lịch suy giảm dẫn đến vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm theo, có nguy cơ giảm mối quan hệ hợp tác giữa các nước trên thế giới. Như Việt Nam đã có quan hệ liên kết với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, các nước Châu Âu… nếu du lịch suy giảm, nền kinh tế sẽ giảm theo.
4.2. Ảnh hưởng tiêu cực của du lịch đến kinh tế
- Phát triển du lịch quốc tế thụ động quá tải dẫn đến việc làm mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế gây lạm phát cục bộ. Nếu như nguồn thu ngoại tệ từ khách quốc tế đi du lịch trong nước nhỏ hơn khách du lịch trong nước đi du lịch nước ngoài thì sẽ làm thâm hụt cán cân thanh toán.
- Ngành du lịch là ngành dịch vụ nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc đảm bảo doanh thu và phát triển ổn định của ngành du lịch là khó khăn hơn so với các ngành sản xuất khác.
- Tạo ra sự mất cân đối và mất ổn định trong một số ngành liên quan.
- Nguồn vốn đầu tư vào ngành du lịch sẽ làm thâm hụt ngân sách nhà nước nếu chi không có kế hoạch, không đúng mục đích, không đạt hiệu quả.
- Ảnh hưởng của du lịch đến kinh tế được thể hiện thông qua tác động qua lại của quá trình tiêu dùng và cung ứng sản phẩm du lịch. Quá trình này tác động lên lĩnh vực phân phối, lưu thông nên ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác nhau.
4.3. Giải pháp
- Phải có chiến lược phát triển nguồn cung ứng cho du lịch tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa du lịch với các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, ngân hàng, giao thông vận tải, truyền thông…
- Phải đáp ứng đúng và đủ nhu cầu việc xây dựng cơ sở vật chất: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi…
- Tránh tình trạng thiếu quy hoạch hay dư thừa:
• Nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ kiến thức cũng như niềm đam mê với nghề.
• Không ngừng tìm kiếm thị trường du khách quốc tế tiềm năng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luanvan.net.vn (2013). Ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị đến sự phát triển du lịch ở Việt Nam. https://luanvan.net.vn/luan-van/anh-huong-cua-tinh-hinh-kinh-te-chinh-tri-den-su-phat-trien-du-lich-o-viet-nam-1436/
2. Dulichvatrainghiem (2018). Thể chế chính sách mở đường cho du lịch phát triển. http://www.dulichvatrainghiem.vn/2018/12/the-che-chinh-sach-mo-uong-cho-du-lich.html
3. Quochoi.vn (2022). “Tư duy mới, hành động mới” để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=67303
4. Anh Tuấn (2022). Cần nới lỏng chính sách thị thực. https://nhandan.vn/can-noi-long-chinh-sach-thi-thuc-post715938.html
5. Trung Nghĩa (2021). 8 quy định nghiêm ngặt khi du lịch Triều Tiên. https://vnexpress.net/8-quy-dinh-nghiem-ngat-khi-du-lich-trieu-tien-4334242.html
Trụ sở chính:
CÔNG TY TNHH DU LỊCH CHIÊU
- Địa chỉ: 03 NguyỄN Văn Lượng, P. 17, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
- Mã số thuế: 0313615107
- Giấy phép kinh doanh Lữ hành quốc tế số: 79-856/2018/TCDL-GP LHQT
- Hotline: 0282237.00.77 | Tư vấn thuê xe: 0909.562.062
- Email Ban giám đốc: info@chieutour.vn
- Email P. kinh doanh: sale@chieutour.vn
- Email P. điều hành: dulichchieutour@gmail.com
- Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/Chieutour/
- Youtube: Chiêu tour Madia
- Zalo OA : Chiêu tour
- Web: chieutour.com, chieutour.com.vn, chieutour.vn
Xem thêm